Chùa Tổ
Chùa Tổ có tên chữ là “Phúc Nghiêm tự” thuộc thôn Mãn Xá (Làng Mèn), tổng Khương Tự, huyện Siêu Loại, phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc. Nay là thôn Mãn Xá, xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Từ lâu đời, chùa Tổ đã nổi tiếng cổ kính thâm nghiêm với truyền thuyết về Phật mẫu Man Nương. Đây là điểm di tích quan trọng, gắn liền với hệ thống các chùa thờ Tứ Pháp ( Chùa Dâu, Đậu, Dàn, Tướng) trong vùng. Chùa nằm trên một khu đất cao, thoáng, rộng thấp thoáng dưới những tán cây cổ thụ, bao quanh là nhà cửa dân cư và những cánh đồng lúa, hoa màu tươi tốt.

Theo thư tịch cổ và truyền thuyết dân gian, cụ thể là truyền tích " Cổ Châu Phật bản hạnh" chùa Tổ thờ Phật mẫu Man Nương là người “sinh” ra Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện) từ thế kỷ II đầu Công nguyên. Truyền rằng, chùa được xây trên nền nhà cũ của ông bà Tu Định - thân phụ và Ưu Di - thân mẫu của Man Nương (Tại làng Mãn Xá Đông hiện có nhà thờ Họ Man, trong giao phả và các tài liệu thư tịch mà dòng họ Man hiện còn lưu giữ cũng có ghi chép về gia đình ông bà Tu Định và A Man/ Man Nương). Khi ông bà Tu Định hiển Thánh thì ngôi nhà trở thành chùa ( Bán Gia vi Tự). Chùa Tổ vốn được khởi dựng từ lâu đời và được nhiều triều đại trùng tu, đến nay chỉ còn tòa Tam Bảo thượng (Thượng điện) là công trình kiến trúc của thời Nguyễn còn bảo lưu khá nguyên vẹn. Trung tâm điện phật (Tòa thượng điện) là nơi thờ Phật mẫu Man Nương. Tượng Phật mẫu Man Nương được tạo tác trong tư thế tọa thiền trên tòa sen, cao gần 1,70m, được tạo giống với các tượng Tứ Pháp, khuôn mặt từ bi thánh thiện, toàn thân phủ một lớp sơn mầu mận chín đầy vẻ huyền bí linh thiêng. Phía trên cao hơn là tượng ông bà Tu Định là thân phụ và thân mẫu của Man Nương, toàn thân sơn mầu nâu sẫm, áo cà sa khoác ngoài trùm kín đùi. Góc bên phải của Thượng điện tượng sư tổ Khâu Đà La, đầu trọc để trần, khuôn mặt từ bi, ngồi thiền trên tòa sen, áo cà sa khoác ngoài.

Hiện chùa Tổ còn bảo lưu được nhiều tài liệu cổ vật quý giá như: tượng thờ, bia đá, sắc phong, hoành phi, câu đối... Trong đó, sắc phong triều vua Cảnh Hưng thứ 14 (1786) phong cho sư tổ Khâu Đà La và một sắc phong triều vua Khải Định thứ 8 (1923) phong cho Phật Mẫu Man Nương. Các tài liệu cổ vật quý giá đó đã minh chứng sự có mặt của hai con người Khâu Đà La và Man Nương là có thật, và chính họ đã tạo nên Sơn môn Dâu cùng hệ thống Tứ Pháp đầu Công nguyên. Đặc biệt chùa còn bảo lưu được một tấm bia đá còn khá nguyên vẹn, có kích thước (cao 172,5cm, rộng 98cm, dày 15cm) trán bia chạm nổi hình lưỡng long chầu nguyệt, diềm chạm hoa lá, vân mây cách điệu, tên bia “Phúc Nghiêm tự sự tích bi” được dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 12, đến năm Tự Đức 26 (1873) được khắc lại, nội dung cho biết sự tích của Phật mẫu Man Nương và hệ thống Tứ Pháp, nội dung có thể tóm tắt như sau:

Xưa, sư Khâu Đà La người nước Thiên Trúc hành đạo Bà La Môn. Từng ở trên núi cao, không cần tu viện lớn mà chu du khắp bốn biển. Bấy giờ, vào thời Hán đã đến thành Luy Lâu nước ta. Bên cạnh thành Luy Lâu có ông bà Tu Định người làng Mãn Xá rất kính mộ phép thuật của nhà sư. Khâu Đà La thường ngồi tĩnh tọa không ăn uống. Trong lòng Tu Định biết là Phật xuất thế nên rất kính cẩn mến mộ. Tu Định có một người con gái xinh đẹp nết na, đã cho theo thày học đạo. Nhà sư nói với Tu Định rằng: “Ông nhập Phật Pháp của ta là sớm có duyên, Man Nương có đạo ngày kia sẽ thành Đại pháp khí” và còn giúp Tu Định phép thuật lấy nước cứu hạn giúp dân, rồi nói lời từ biệt vào trong núi tu hành. Một hôm, Man Nương đến bỗng có rồng mây cuốn quanh mình rồi cảm động mà mang thai. Man Nương sợ hãi nói rõ sự việc với cha mẹ. Ông bà Tu Định kinh ngạc vào núi để nói rõ sự tình với Đà La. Nhà sư bảo rằng: “Man Nương có thai là do nhân thiên hợp khí”. Man Nương có mang được 14 tháng, đến ngày 8 tháng 4 sinh được một bé gái, trong phòng hương thơm khác lạ lan tỏa đầy nhà. Man Nương liền bế con vào nơi núi non tìm thày, trời âm u không thấy rõ ràng, chỉ nghe thấy tiếng tụng niệm, bèn quay lại nói với cây dung thụ rằng: “Nếu có thiêng hãy ôm lấy hài nhi này”. Cây bèn mở thân, bèn đặt đứa bé vào đó, cây khép lại…

Sau đó, trời mưa to gió lớn giật đổ cây dung thụ trôi đến cửa bến thành Luy Lâu, trong cây như có tiếng nhạc, ánh sáng chiếu rọi, mùi hương thơm phức, mọi người đều thấy. Sĩ Vương trong thành thấy lạ, bèn lệnh cho quan quân xem xét, quả nhiên như vậy, đến đêm mộng thấy một vị Thần nói rằng: “Cây này là thần mây, mưa, sấm, chớp”. Vương bèn ban bố với quần thần trong triều tạc tượng Phật để thờ và lệnh cho thợ cắt cây làm bốn đoạn tạc thành bốn tượng. Khi tượng tạc xong đã lệnh cho nhân dân sáng lập các chùa: Thiền Định - Diên Ứng (Dâu), Thành Đạo (Đậu), Phi Tướng tự và chùa Phương Quan (Dàn) Trí Quả để thờ phụng. Lúc khánh thành khi còn chưa đón vào chùa thì gặp đại hạn. Vương bèn cầu khấn, bỗng nhiên mưa to. Vì thế nhớ mộng trước bèn đặt tên là: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện. Đến khi rước vào chùa, ba tượng xe chở rất nhẹ, còn tượng Pháp Vân nặng không thể được. Vương cho thợ tạc tượng đến hỏi, thợ tâu trong cây có hòn đá đã vứt xuống sông, lại lệnh cho ngư dân đi mò tìm vì biết cây đó chứa con của Man Nương và tạc thành tượng Thạch Quang để thờ. Vương lại lệnh cho nhân dân tạc tượng Tam tổ sáng lập chùa Phúc Nghiêm.

Thời Tam quốc, Đào Hoành làm thái thú Giao Châu nghe thấy tiếng Tứ Pháp linh thiêng, đã lệnh cho xây đàn lớn, không được xâm phạm, hương hoả cung kính; mỗi khi gặp dịch bệnh thì phụng quốc mệnh cầu đảo, tai ương lập tức qua khỏi. Thời Tấn, Đào Khản làm thái thú Giao Châu, muốn rước tượng về nước, lấy hàng ngàn tráng sĩ hợp sức di chuyển cũng không được. Thời Tùy, sai Lưu Phương đến châu của ta tìm đến Tam tổ chùa Tứ Pháp yết bái để thoả sự mong mỏi. Đường Xương khi rời qua châu của ta đã đích thân đến chùa Phúc Nghiêm, lệnh cho chép lại sự tích để dâng lên vua Đường. Nước ta đến mùa thu năm đầu thời Lý Nhân Tông, mưa mãi không tạnh, ngài đã đích thân đến cầu mưa tạnh. Năm Thái Ninh thứ 3 gặp đại hạn, vua lệnh cho rước tượng Phật vào Thủy Tinh điện, thân cung pháp phục dâng hương bái lạy, đêm ấy trời đã đổ mưa. Quân Tống đến cướp nước, tướng Cao Quỳ định áp sát lấy trộm mang về. Khi đến cánh đồng Vũ Bình đã bị quân ta truy đuổi đánh cho tan tác, mọi người trong nước đều nghĩ Phật đã bị mất. Mùa đông năm ấy thả lửa đốt đồng, chỉ có đức Phật ở đó vẫn xanh tươi. Vua nghe thấy thế liền lệnh cho đón về chùa. Thời vua Lý Anh Tông gặp đại hạn, liền đón về chùa Báo Thiên, nhà vua và Thái hậu đích thân hành lễ cầu mưa, khi xa giá trở về trời đã đổ mưa lớn. Đến thời vua Lê chúa Trịnh, hàng năm sai quan triều đình đến cúng tế để giữ mạch đất nước lâu dài. Năm Canh Thân lại đại giá thân chinh đặc mệnh cho Thuyên nghĩa hầu Lê Kim Hội đến lấy trống làm hiệu, khi đại định lại gia ban áo gấm mũ trụ. Tiếp nối về sau, phàm việc cầu tạnh, cầu mưa, trước tiên đến đón Tứ Pháp về bái yết chùa Phúc Nghiêm và chùa Diên Ứng cầu đảo ba ngày. Sau mới đón Tam tổ hội cùng tế cáo, đặt làm lệ mãi như vậy. Nước Việt ta có Phật khởi phát ở nơi này.

Chùa Tổ và hệ thống chùa Tứ Pháp vùng Dâu huyện Thuận Thành là tinh hoa của sự dung hội giữa Phật giáo Ấn Độ khi du nhập vào nước ta với tín ngưỡng bản địa của người Việt cổ thờ các lực lượng tự nhiên (mây, mưa, sấm, chớp), để tạo nên một trung tâm tín ngưỡng tôn giáo mang đậm sắc thái dân tộc. Từ trung tâm Dâu, Phật giáo đã lan tỏa đi khắp các vùng miền của cả nước. Vì vậy, chùa Tổ và hệ thống của Tứ Pháp đã trở thành dấu tích quan trọng của quá trình hình thành và phát triển Phật giáo Việt Nam. Với giá trị đặc biệt về lịch sử Văn hóa,Tôn Giáo và tín ngưỡng của ngôi chùa Tổ - Phúc Nghiêm Tự, đã được Bộ Văn Hóa và Thông Tin xếp hạng và công nhận là di tích cấp Quốc Gia từ năm 2001 ./.

Nho Thuận

Di tích 3D khác

Lăng Nguyễn Gia Thiều

Lăng Nguyễn Gia Thiều

Dòng họ Nguyễn Gia ở thôn Liễu Ngạn (Thuận Thành - Bắc Ninh) có cội nguồn từ trang Gia Miêu - Tống Sơn (nay là huyện Hà Trung - Thanh Hóa).